Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 10 tháng năm 2021 đạt 539,42 tỷ USD. Đáng chú ý, sau 6 tháng liên tục nhập siêu, cán cân thương mại đã trở lại “vị thế” xuất siêu với 125 triệu USD. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau khi trở lại với bình thường mới…
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 10/2021 đạt 55 tỷ USD, tăng 2,4% so với tháng trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 28,87 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng trước (tương ứng tăng 1,85 tỷ USD); nhập khẩu đạt 26,13 tỷ USD, giảm 2,0% (tương ứng giảm 533 triệu USD).
Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 539,42 tỷ USD, tăng 22,6% với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 99,54 tỷ USD. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 269,77 tỷ USD, tăng 17,4%, tương ứng tăng 40,02 tỷ USD và nhập khẩu đạt 269,65 tỷ USD, tăng 28,3%, tương ứng tăng 59,5 tỷ USD.
Trong tháng, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,74 tỷ USD. Tính trong 10 tháng/2021, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 125 triệu USD.
Trị giá xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại trong 10 tháng/2020 và 10 tháng/2021. (Nguồn: Tổng cục Hải quan).
Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 10/2021 đạt 37,76 tỷ USD, giảm 1,1% so với tháng trước, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 10 tháng năm2021 đạt 374,03 tỷ USD, tăng 25,4%, tương ứng tăng 75,73 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 10/2021 đạt 20,68 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 10 tháng/2021 lên 197,49 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 10/2021 đạt 17,08 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 10 tháng/2021 đạt 176,54 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 10/2021 có mức thặng dư trị giá gần 3,6 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong 10 tháng năm 2021 lên mức thặng dư trị giá 20,95 tỷ USD.
Về thị trường xuất nhập khẩu, trong 10 tháng năm 2021, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 349,12 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,7%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.
Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ: 112,32 tỷ USD, tăng 23,1%; châu Âu: 59,45 tỷ USD, tăng 12,9%; châu Đại Dương: 11,52 tỷ USD, tăng 44% và châu Phi: 7,02 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10/2021 đạt 28,87 tỷ USD, tăng 6,8% về số tương đối và tăng 1,85 tỷ USD về số tuyệt đối so với tháng 9/2021.
So với tháng trước, các mặt hàng tăng trong tháng là: máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 678 triệu USD, tương ứng tăng 22,9%; hàng dệt may tăng 367 triệu USD, tương ứng tăng 16,1%; giày dép tăng 259 triệu USD, tương ứng tăng 38,1%; gỗ & sản phẩm gỗ tăng 250 triệu USD, tương ứng tăng 35,6%...
Tính chung trong 10 tháng năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu đạt 269,77 tỷ USD, tăng 17,4%, tương ứng tăng 40,02 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 8,73 tỷ USD, tương ứng tăng 41,2%; sắt thép các loại tăng 5,49 tỷ USD, tương ứng tăng 132,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,44 tỷ USD, tương ứng tăng 12,2%; điện thoại các loại & linh kiện tăng 4,4 tỷ USD, tương ứng 10,4%...
Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn trong 10 tháng/2021 so với 10 tháng/2020 (nguồn: Tổng cục Hải quan).
Từ chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10/2021 đạt 26,13 tỷ USD, giảm 2% về số tương đối, tương ứng giảm 533 triệu USD về số tuyệt đối so với tháng trước.
Các mặt hàng có trị giá giảm so với tháng trước là: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 438 triệu USD, tương ứng giảm 6,3%; điện thoại các loại & linh kiện giảm 204 triệu USD, tương ứng giảm 9,2%; sản phẩm hóa chất giảm 130 triệu USD, tương ứng giảm 18,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng giảm 111 triệu USD, tương ứng giảm 3%...
Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng trị giá nhập khẩu đạt 269,65 tỷ USD, tăng 28,3%, tương ứng tăng 59,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 9,07 tỷ USD, tương ứng tăng 17,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 8,67 tỷ USD, tương ứng tăng 29,2%; điện thoại các loại & linh kiện tăng 4,23 tỷ USD, tương ứng tăng 33,6%...
Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn trong 10 tháng/2021 so với 10 tháng/2020 (Nguồn: Tổng cục Hải quan).
Như vậy, những kết quả trên đã không nằm ngoài nhận định trước đó của Bộ Công Thương, khi cho rằng đến những tháng cuối năm, cán cân thương mại sẽ cân bằng và có xuất siêu. Thực tế, sau 10 tháng năm 2021, Việt Nam đã chấm dứt tình trạng nhập siêu và trở lại “vị thế” xuất siêu với 125 triệu USD.
Với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ giao cũng như kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương là đạt mức 4-5%.
Cơ sở để đưa ra dự báo này là do thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi khi doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, nhất là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế.
Đặc biệt, tín hiệu đáng mừng là TP.HCM đang từng bước mở cửa lại, giúp doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, với vai trò là địa phương quan trọng bậc nhất trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Nam, việc mở cửa TP.HCM sẽ giúp các địa phương lân cận đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá.
Từ nay đến cuối năm để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.
Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.
Nguồn: Báo Vneconomy